Trong kỷ niệm về thời thơ ấu của mỗi người ở Huế, thế nào cũng có những kỷ niệm về coi bói ngày Tết, nghĩa là có pha một chút mê tín dị đoan. Bởi vì suy cho cùng, đặc trưng của tinh thần Huế đâu có xa lạ gì với chuyện mê tín dị đoan. Người Huế nhìn vào đâu cũng thấy ngũ hành, vì vậy, thói kiêng cữ hoạc sùng bái lại càng là một thứ đặc sản Huế ở nơi họ.
Ngày Tết, việc đạp đất hoặc xuất hành đã là một thông tục của người Việt ở nhiều nơi; hai phong tục này vốn đã có liên hệ nhiều ít với ý niệm ngũ hành trong thói bói toán. Đạp đất (còn lại là xông đất) cần nhất phải so tuổi giữa khách và chủ, thí dụ một người có tuổi Mão (cầm tinh con mèo) thì không nên đạp đất cho một người tuổi Tí. Một người mạng Hoả lại không nên xuất hành về phương Bắc; vì bắc thuộc Thuỷ, vì Thuỷ Hoả tương khắc. Vì vậy, trong nhiều trò chơi được ưa chuộng ở Huế có lắm trò chơi bao hàm phép bói toán. Chúng ta có thể nhớ lại:
a. Bói bài: Ngày Tết, nhà nào ở Huế cũng có phổ biến trò chơi bài bạc. Tuy nhiên, bài bạc ở đây không cốt để ăn thua nhau bằng tiền bạc (dù cũng có chuyện tiền bạc chút ít), mà chỉ nhằm có cớ để xen lẫn trong đó trò bói bài. Người ta thường đoán vận mệnh hên xui trong năm bằng cách nhìn qua sự ăn thua trên từng ván bài. Trong dân gian nhất là ở miền quê, thường sử dụng bộ bài tới, trong đó có nhiều con bài chỉ có nét đen tuyền, và một số con bài có đóng dấu đỏ. Vì vậy, trò chơi cờ bạc thường được gọi chung là trò đỏ đen.
b. Bói mai: Ở Huế, cành mai là không thể thiếu được trong các loại hoa ngày Tết. Người ta thường giải thích rằng mai tượng trưng cho đức tính của người quân tử, vì tuy gầy guộc như một hàn sĩ nhưng lại nở hoa rất dày dặn. Càng gầy guộc, cây mai càng khiến người ta yêu thích, gọi là lão mai. Độ 28 Tết trở đi thì chợ Tết trở thành thời vụ của hoa mai; vì bấy giờ chợ mới đông đảo những người bán kẻ mua quanh chủ đề hoa mai. Những ngày giáp Tết, ở Huế thường có những chiếc xe (xe đạp, xích lô, xe ba gác) chở mai đi bán rong trong các phố lẻ. Cành mai thường được dành một vị trí chủ đạo trong phòng khách của mỗi gia đình, chưng bày từ ngày mồng 1 đến mồng 7 Tết. Đó cũng là thời kỳ diễn ra phong tục bói hoa mai. Hoa mai bình thường có năm cánh; bắt đầu từ mồng 1 Tết trở đi, lại có một “bóng” của cành mai do những cánh hoa rụng đổ trên mặt đất. Người chơi hoa cũng thường giữ gìn những cánh hoa rụng này, không quét dọn nó đi vì sợ mất hên. Có hoa mai 6, 7 cánh trên một cành mai được xem là điềm lành của gia đình; tuy nhiên quý nhất lại là hoa mai có 4 cánh vì hiếm có. Đoá mai 4 cánh được gìn giữ trân trọng một cách đặc biệt trên một cành mai Tết, được chủ nhà lưu ý đặc biệt để theo dõi xem nó rụng chưa. Những người trẻ thì quan tâm về tình yêu, và vì thế họ thường chọn hoa cúc để bói. Họ thường bắt đầu bằng một cánh hoa ở trung tâm, rồi xoay quanh lần lượt đếm từng cánh hoa, vừa nói theo thứ tự: “Nàng yêu tôi”, “Nàng yêu tôi nhiều”, “Nàng yêu tôi say đắm”, “Nàng không yêu tôi chút nào cả”. Cứ tiếp tục đếm như thế, cho đến cánh hoa cuối cùng rơi vào nhóm chữ nào thì duyên số cũng đạt tới vận mệnh đó.
Những người trẻ trong nhà thường tỏ ra lãnh đạm đối với hoa mai và ưa chuộng hoa cúc hơn vì hoa mai không phải là thức đặc dụng để bói về tình yêu. Tuy nhiên từ lúc nào đó tự họ trở thành người chủ của gia đình, thì cành mai lại chiếm giữ đúng vị trí của nó nghĩa là để đoán vận mệnh hên xui của gia đình theo một hướng khác.
c. Bói xăm hường: Hường là một mặt tứ màu đỏ trong bộ tào cáo. Mỗi ván xăm hường được mở đầu bằng cách mỗi người lần lượt vốc bộ xăm hường trong nắm tay rồi thả ra lòng một cái bát. Khi bộ tào cáo đã ổn định thì những mặt tào cáo giống nhau (tất cả có 6 con) sẽ làm thành một tổ hợp; mọi tổ hợp sẽ hợp thành một cấu trúc có ý nghĩa, đem lại cho người đổ một số thẻ; ván xăm hường bắt đầu bằng lần đổ đầu tiên và kết thúc khi có ông Trạng anh xuất hiện (Trạng: một thẻ tre cái tương đương với 32 đơn vị). Đại lược có:
- Thẻ 1 đơn vị tương đương với một mặt tứ gọi là nhất hường.
- Thẻ nhị hường, tương đương với 2 thẻ đơn vị, gồm hai mặt tứ của tào cáo.
- Thẻ tứ tự (hay gọi là cử nhân) có mệnh giá bằng 4 thẻ đơn vị gồm bốn mặt đen giống nhau của tào cáo (không có mặt hường).
- Thẻ tam hường có mệnh giá bằng 8 thẻ đơn vị, ứng với ba mặt hường của tào cáo (gọi là tiến sĩ).
- Thẻ Trạng em có mệnh giá bằng 16 thẻ đơn vị, gọi là suốt, nghĩa là các mặt tào cáo đậu lại theo thứ tự từ nhất đến lục; hoặc là phân song, gồm có một tổ hợp cân đối của bộ tào cáo với mỗi phần gồm ba mặt tào cáo giống nhau. Và còn nhiều tổ hợp khác.
- Thẻ Trạng anh gồm 32 đơn vị, tương ứng với bốn mặt hường.
- Nếu có năm mặt hường thì lấy cả một trạng anh và hai trạng em (gọi là ngũ hường đoạt tam khôi); nếu có ngũ hường + mặt đen của tào cáo gọi là ngũ hường x tuổi; ngũ hường + một mặt nhất (gọi là ngũ hường đại ấn); nếu có năm mặt đen (gọi là ngũ tử).
Lục phú hường (gồm sáu mặt hường thì ăn toàn ván xăm hường hai lần; lục phú đen (sáu mặt đen của tào cáo giống nhau), ăn toàn bộ ván xăm hường một lần.
Xăm hường là trò chơi đổ bát gợi lại ý niệm về thi cử ngày xưa, phù hợp với nguyện vọng và tính ăn thua nhẹ nhàng của phụ nữ giới quý tộc ở Huế, cầu mong cho con thành đạt.
Chất bói toán khiến người đổ xăm hường thích chí nhất là đổ ra suốt hơn là trạng anh; vì bao hàm việc làm ăn hanh thông; hoặc thích lục phú đen hơn là lục phú hường vì tin rằng đỏ quá hoá đen.
d. Bói tuồng: Thời tôi lớn lên, đi học vẫn ngang qua rạp Bà Tuần, là một rạp hát tư nhân thường trực vào thời mà đào kép Huế còn diễn trên sân khấu do các gia đình quý tộc giàu có hoặc những ông hoàng bà chúa dựng lên tại các thành phố và thị trấn nổi tiếng khắp ba cõi Đông Dương. Sau cách mạng tháng Tám, tuồng Huế hết thời, nhưng rạp Bà Tuần vẫn còn sống lây lất, và những đào kép cũ, tuồng tích cũ ít ra còn đem lại cho xứ Huế đôi nét vàng son của sân khấu thời Nguyễn.
Ở rạp Bà Tuần, người ta thường xào xáo một chương trình tuồng Tết, gồm có những vở tuồng có đoạn nói về tình duyên, để các cô các cậu ở Huế thích đi xem; thí dụ tuồng Phụng Nghi Đình (hay gọi là Lữ Bố hí Điêu Thuyền); Tôn Phu Nhân Quy Thục; Mạnh Lệ Quân thoát hài... Đôi khi người ta diễn cả tuồng Lộ Địch của Ưng Bình Thúc Giạ, là vở tuồng do cụ Thúc Giạ phóng tác phỏng theo vở bi kịch Le Cid của Corneil, trong đó có thay đổi đôi chút, thí dụ như cô tiểu thư Don Chimène sau khi thắng quân giặc bèn vào chùa đi tu, hoặc tác giả phóng bút thêm vào một vai hề tuồng để thích nghi với sân khấu Hát Bội, và hợp với “gu” Huế.
e. Bói đò: Nguyên giữa chợ Gia Lạc (vùng Vĩ Dạ) và chợ Dinh (cùng Gia Hội) trên sông Hương Huế có một con đò ngang, mà người ta cho là rất thiêng, thật ra là bến đò ngang duy nhất để người Huế ở khu Gia Hội có thể xuất hành trong ngày Tết. Tâm lý xuất hành rất quan trọng ở người Huế, ví dụ ra đi khỏi nhà lỡ có người gọi giật lui liền quay về, không dám đi đâu nữa, tức bực suốt ngày hôm ấy. Hơn nữa chợ Gia Lạc lại chỉ đông vào ba ngày Tết, nên càng bao hàm tính xuất hành của chuyến đò đầu năm.
Đến bến đò chợ Dinh nói trên, nếu con đò vẫn đang nằm chờ hoặc vừa mới ghé vào bờ thì đó là vận may, buôn bán hàng thông suốt năm, lỡ đò đã ra giữa vời thì đành đứng đợi, than thân trách phận rằng vận rủi sẽ theo mình quanh năm, không thể thành đạt việc gì khác.
Sự bói ngày Tết là tâm lý rất phổ biến ở người Huế, nhưng chẳng qua là một nét mê tín rất nhẹ nhàng, tuy nhiên người ta vẫn giữ bền là vì nó cũng chẳng dẫn đến hậu quả nào tai hại; nó chỉ làm cho cuộc sống thêm một chút thi vị, giống như người ta thích giữ mãi niềm tin ngây